Tận dụng tăng trưởng thị trường sắn, CTCP Tapiotek mở rộng công suất, đẩy mạnh bán hàng

Nguy cơ khủng hoảng lương thực đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ sắn

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất công bố ngày 26/7/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao hơn nhiều so với năm 2021 tạo ra lo ngại về nguy cơ khủng hoảng lương thực.

Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát giá lương thực toàn cầu - đặc biệt là giá ngũ cốc, là cuộc xung đột ở Ukraine. Các hạn chế xuất khẩu ở một số quốc gia đã làm tăng giá lương thực toàn cầu bất chấp một số hạn chế này gần đây đã hết hiệu lực. Các quốc gia có thu nhập thấp, nơi lương thực chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tiêu dùng, đang cảm nhận rõ nhất tác động của tình trạng lạm phát này. Trong bối cảnh này, tinh bột sắn được xem như là nhóm sản phẩm thay thế tốt bởi khả năng đáp ưng cao, giá thành hợp lý và có nhiều công dụng trong việc chế biến lương thực thực phẩm. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam trong 7 tháng năm 2022 đạt 904 triệu USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong đó Trung Quốc đã mua 1,95 triệu tấn sắn lát khô và tinh bột sắn của Việt Nam, chiếm tới 93% trong tổng khối lượng xuất khẩu sắn của nước ta.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tinh bột sắn còn được thúc đẩy bởi việc Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo 100% tấm và áp thuế 20% đối với một số loại khác kể từ ngày 9/9/2022. Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu mưa ở các vùng canh tác của Ấn Độ kéo dài, khiến diện tích trồng trọt ở nước này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm. Quyết định này làm trầm trọng hơn tình hình thiếu hụt lương thực và nguyên liệu chế biến thực phẩm chăn nuôi trên toàn cầu.

 


 
 

CTCP Tapiotek hoàn tất nâng công suất, bắt đầu đẩy mạnh hoạt động bán hàng

CTCP Tapiotek - một trong các công ty con của CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng (thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital) - là một trong số ít nhà máy tại Việt Nam có thể sản xuất tinh bột sắn biến tính. So với tinh bột tự nhiên, đây là sản phẩm là loại tinh bột được biến đổi bằng các phương pháp vật lý và hóa học để tăng cường hoặc điều chỉnh các đặc tính đặc thù như độ nhớt, độ thay thế, độ kết dính, nhiệt độ hồ hóa. Bên cạnh đó, tinh bột sắn biến tính có tính ứng dụng cao trong sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

  

Hình ảnh: Một phần dây chuyền sản xuất mới vào hoạt động từ tháng 07/2022 của Tapiotek

Sau khi tăng vốn điều lệ lên mốc 160 tỷ đồng vào cuối năm 2021, Tapiotek được cải thiện mạnh về năng lực vốn lưu động, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn khác. Tọa lạc tại huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, nhà máy của Tapiotek có lợi thế lớn trong việc thu mua nguyên liệu từ cả các nông trại tại địa phương trong nước và Campuchia, do đó nhà máy có thể hoạt động xuyên suốt trong năm mà không bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ canh tác theo địa phương. Bên cạnh đó, công ty cũng đã hoàn tất việc tăng công suất nhà máy từ mức 2.000 tấn thành phẩm/tháng lên mức 3.500 tấn/tháng vào tháng 07/2022 vừa qua. Qua đó đưa nhà máy của Tapiotek vào nhóm 5 nhà máy tinh bột sắn biến tính có công suất lớn nhất Việt Nam.

Có thể nói, Tapiotek đã sẵn sàng để nắm cơ hội lớn tăng trưởng doanh thu, đẩy mạnh công tác mở rộng đối tượng khách hàng ở cả thị trường truyền thống là Trung Quốc, Việt Nam và các thị trường mới khác.

 
Nguồn: Công ty cung cấp